1. Một số đặc điểm của bệnh mộng thịt:
Mộng thịt là khối thoái hóa và tăng sinh của kết mạc nhãn cầu ở vùng khe mi, thường gặp ở người trung niên nhưng cũng có thể phát triển ở những người trẻ tuổi hơn. Bệnh khá phổ biến ở những nước nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiều gió, bụi, ánh nắng mặt trời…Ở Việt Nam, mộng mắt chiếm hơn 5% dân số, tập trung nhiều ở vùng ven biển miền Trung.
Mộng thường phát triển ở khe mi góc trong, đôi khi phát triển ở vùng khe mi góc ngoài hoặc có khi cả hai góc (mộng kép). Mộng có hình tam giác hay hình cánh với đỉnh quay về phía giác mạc; có thể màu đỏ hoặc hồng tùy theo số lượng và độ cương tụ của mạch máu thân mộng. Nhìn chung, mộng thường tiến triển chậm trong hàng chục năm, cũng có thể nhanh trong vài tháng. Bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và khả năng thị giác của người bệnh.
Trong quá trình tiến triển, mộng có thể gây những biến chứng như viêm kết mạc, chảy nước mắt, nhìn đôi, loạn thị, tầm nhìn hạn chế, có nang biểu mô (chứa dịch lỏng), loét giác mạc đầu mộng (cần phẫu thuật sớm và tăng cường dinh dưỡng vì để lâu sẽ gây nhiễm trùng nặng), gây đục tổ chức giác mạc dưới mộng thịt… Nếu vùng giác mạc trung tâm bị đục thì người bệnh sẽ bị mù lòa.
2. .Phân loại mộng thịt: Có nhiều cách phân loại mộng thịt, như sau:
a. Theo mức độ tiên lượng:
– Loại mộng thịt tiến triển: đầu mộng có nhiều thẩm lậu hình răng cưa. Nếu thân mộng dày, có nhiều mạch máu thì khả năng tái phát nhiều.
– Loại mộng thịt xơ: đầu mộng tròn, trắng đặc, loại mộng này không tiến triển và ít tái phát sau mổ.
b. Theo mức độ xâm lấn vào giác mạc: độ đối chiếu với trung tâm giác mạc:
Độ I: < 2mm
Độ II: từ 2-4mm
Độ III: > 4mm
c. Theo giải phẫu: mộng được chia làm 4 độ dựa vào bán kính giác mạc.
Độ I: đầu mộng phát triển quá rìa giác mạc;
Độ II: đầu mộng chưa tới 1/2 bán kính giác mạc;
Độ III: đầu mộng vượt quá 1/2 bán kính giác mạc
Độ IV: đầu mộng tới và có thể đi quá trung tâm giác mạc.
d. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS): chia thành 4 độ như sau:
3. Điều trị bệnh mộng thịt:
Hiện nay, việc điều trị bằng thuốc, hoá chất hoặc các tác nhân vật lý khác không mang lại kết quả mỹ mãn, mà chủ yếu là phải phẫu thuật.
Phẫu thuật được coi là giải pháp hữu hiệu đối với mộng thịt. Việc ngăn ngừa tái phát rất quan trọng, đòi hỏi những biện pháp điều trị bổ sung như liệu pháp vật lý (tia X, tia beta, laser) và liệu pháp hóa học (corticoid, thuốc chống chuyển hóa). Đặc biệt, trong những năm gần đây, các nhà nhãn khoa sử dụng Mitomycin C – một kháng sinh có tác dụng ức chế sự tăng sinh của nguyên bào sợi. Tuy nhiên, thuốc có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm giác mạc chấm nông, thủng củng mạc, viêm mống mắt… nên khi dùng cần thận trọng.
Ngày nay, có nhiều phương pháp khác nhau để phẫu thuật điều trị mộng thịt với mục đích là tìm mọi cách để hạn chế tái phát, tuy nhiên, kết quả tái phát lại khác nhau:
- Cắt mộng đơn thuần: 40-60% (có thể lên đến 80%)
- Cắt mộng + ghép kết mạc tự thân mãng rộng: 0 – 15,5%
- Cắt mộng + ghép kết mạc rời của chính thân mộng: 4,5%
- Cắt mộng + ghép màng ối: 0 – 10%
- Cắt mộng + vạt trượt: 3,2%
- Cắt mộng + vạt kết mạc có cuống: 1,6%
- Cắt mộng + áp Mitomycin C ( MMC ): 0 – 4,2%
- Cắt mộng + chiếu tia: 1,6%
- Cắt mộng +phủ kết mạc+ MMC: 0%
- Cắt mộng +MMC+ Tiêm steroid dưới kết mạc: 0%
- Cắt mộng + Ghép kết mạc tự thân mảnh nhỏ + MMC: 0%
Vì vậy hiện nay phương pháp phẫu thuật CẮT BỎ MỘNG THỊT, GHÉP KẾT MẠC TỰ THÂN vẫn là phương pháp được áp dụng rộng rãi.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/