Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp, có thể làm giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng xấu của bệnh tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Lộ tuyến cổ tử cung hình thành do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra bên ngoài, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (viêm lộ tuyến). Các nguyên nhân gây viêm nhiễm lộ tuyến cổ tử cung thường là: sang chấn cổ tử cung (sau sảy thai, phá thai, sinh nở,…), cường estrogen buồng trứng (làm các tuyến phát triển mạnh, tiết dịch nhiều, phá hủy biểu mô lát mặt ngoài cổ tử cung) và lộ tuyến bẩm sinh (hay gặp ở bé gái mới sinh do mẹ dùng nhiều estrogen khi mang thai). Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, virus,… cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm lộ tuyến.
2. Các phương pháp chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh viêm nhiễm lộ tuyến cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ mắc vô sinh nữ. Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị viêm nhiễm lộ tuyến cổ tử cung. Đầu tiên, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng thuốc đặt âm đạo và thuốc sử dụng đường uống. Sau khi hết viêm nhiễm, các phương pháp điều trị xâm lấn sẽ được áp dụng để diệt lộ tuyến (đốt điện, áp lạnh hoặc đốt laser).
2.1 Dùng thuốc trị viêm
Phương pháp này thích hợp với trường hợp viêm lộ tuyến nhẹ, mới hình thành. Thuốc đặt trong âm đạo có tác dụng chống và ngăn ngừa viêm nhiễm ở cổ tử cung. Đồng thời, thuốc còn giúp cải thiện việc tiết dịch nhầy trong âm đạo và cân bằng nồng độ pH.
Một liệu trình đặt thuốc được thực hiện trong 10 ngày và cách 3 – 7 ngày sẽ thực hiện một liệu trình tiếp theo. Tuy nhiên, việc dùng thuốc chỉ có tác dụng điều trị viêm, không điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm lộ tuyến cổ tử cung nên nguy cơ tái phát bệnh vẫn cao.
2.2 Điều trị lộ tuyến cổ tử cung bằng cách đốt điện
Lộ tuyến nếu không được điều trị sẽ ngày càng lan rộng ra mặt ngoài cổ tử cung. Đốt điện điều trị lộ tuyến cổ tử cung là phương pháp diệt các tuyến lấn ra mặt ngoài cổ tử cung, đồng thời tạo điều kiện cho biểu mô lát phục hồi, giảm nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa sau này.
Trị viêm lộ tuyến bằng phương pháp đốt điện
Quy trình điều trị như sau:
- Người bệnh được khám phụ khoa, thực hiện soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo, xác định tình trạng cụ thể, kiểm tra sức khỏe xem có đủ sức khỏe thực hiện đốt điện hay không.
- Dùng thuốc kháng viêm điều trị vi khuẩn gây viêm nhiễm và ngăn tác nhân gây viêm quay trở lại tấn công.
- Thực hiện đốt điện trực tiếp vào các tế bào gây viêm nhiễm.
Khi đốt diệt tuyến cổ tử cung, nếu đốt quá sâu, cổ tử cung sẽ có sẹo xơ cứng, lỗ cổ tử cung bị chít hẹp, gây ứ đọng máu kinh, đau đớn trong thời kỳ kinh nguyệt và có thể cản trở quá trình thụ thai.
Lưu ý khi đốt điện trị lộ tuyến cổ tử cung:
- Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không? Lộ tuyến cổ tử cung được chia làm các cấp độ từ nhẹ đến nặng. Phương pháp đốt điện chỉ áp dụng với lộ tuyến ở mức độ 2-3 trở lên và chỉ định tùy thuộc vào tình trạng sinh con của bệnh nhân. Bởi vậy, bệnh nhân cần được khám và đánh giá đúng mức độ của tổn thương lộ tuyến cổ tử cung trước khi tiến hành đốt.
- Trong 2 tháng đầu sau đốt điện trị lộ tuyến cổ tử cung, quá trình tái tạo tế bào biểu mô sẽ gây tăng tiết dịch âm đạo. Vì vậy, người bệnh cần giữ vệ sinh khô thoáng vùng kín trong giai đoạn này. Sau đó, hiện tượng tăng tiết dịch sẽ giảm dần và tái tạo lại biểu mô lát (không còn lộ tuyến) sau 2 tháng.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/