1. ĐỊNH NGHĨA
Co thắt tâm vị là một rối loạn vận động thực quản nguyên phát không rõ nguyên nhân. Bệnh lý này đặc trưng bởi quá trình dãn cơ không đầy đủ của cơ thắt thực quản dưới và mất nhu động thực quản.
2. BỆNH NGUYÊN
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định. Những dữ liệu ghi nhận được gợi ý các yếu tố như nhiễm trùng, tự miễn, di truyền có khả năng là nguyên nhân gây bệnh.
3. DỊCH TỂ HỌC
Tần suất mắc bệnh 1-2/200.000, tỷ lệ mắc bệnh đều cả hai giới. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng lứa tuổi từ 30-50 có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
4. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Nuốt khó là triệu chứng nổi bật các bệnh nhân co thắt tâm vị. Khó nuốt thức ăn đặc gặp ở hầu hết các bệnh nhân. Khó nuốt thức ăn lỏng chiếm khoảng hai phần ba các trường hợp. Nôn mửa chiếm 60-90% bệnh nhân. Nôn thường xảy ra sớm sau ăn hoặc khi nằm nghiêng.
Đau ngực gặp ở một phần ba trong tổng các bệnh nhân co thắt tâm vị. Đau ở vị trí sau xương ức và thường xảy ra sau ăn.
Các triệu chứng khác như sụt cân (liên quan đến khó nuốt và nôn), các triệu chứng về hô hấp có liên quan đến sặc thức ăn hay viêm phổi hít.
5. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán co thắt tâm vị dựa vào hình ảnh x-quang, đo áp lực thực quản và nội soi đường tiêu hóa trên.
5.1 Chẩn đoán x-quang
Đây là xét nghiệm cơ bản để tầm soát co thắt tâm vị,
với độ chính xác đạt 95%.
Các dấu hiệu đặc trưng:
- Dấu “mỏ chim”: do hẹp lòng ở vùng cơ thắt thực quản dưới.
- Mất nhu động thực quản
- Chậm quá trình vận chuyển thuốc cản quang qua thực quản
Các dấu hiệu hỗ trợ chẩn đoán kèm theo là thực quản dãn, xoắn vặn,
hình ảnh túi thừa trên cơ hoành.
5.2 Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry)
Đây là một thủ thuật cần thiết trong xác định chẩn đoán co thắt tâm vị.
“Áp lực đồ thực quản ở người bình thường (hình trên) và co thắt tâm vị (hình dưới)”
5.3 Nội soi thực quản
Nội soi giúp chẩn đoán loại trừ các trường hợp giả co thắt cơ thắt tâm vị thứ phát sau các tổn thương ác tính ở tâm vị.
Hình ảnh đặc trưng của nội soi ở bệnh nhân co thắt tâm vị là dãn và xoắn vặn thực quản. Cơ thắt thực quản dưới luôn co thắt, đóng kín khi bơm hơi, dẫn tới ứ đọng nhiều thức ăn trong lòng thực quản. Quan sát tâm vị khi ống soi ở dày (quặt ngược máy) thấy co thắt thực quản luôn đóng chặt, ôm sát ống nội soi. Nội soi đánh giá kỹ vùng tâm vị để loại trừ các tồn thương u gây hẹp tâm vị.
6. ĐIỀU TRỊ
Không có pháp pháp điều trị nào có thể chữa khỏi co thắt tâm vị. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng:
- Nong thực quản bằng bóng hơi
- Nội soi cắt cơ thắt thực quản (P.O.E.M: Per-oral endoscopic myotomy)
- Phẫu thuật cắt cơ Heller
- Tiêm Botulinum
- Điều trị thuốc
6.1 Nong thực quản bằng bóng hơi
Tất cả bệnh nhân nong hẹp phải chuẩn bị trước các xét nghiệm và giải thích khả năng phẫu thuật do biến chứng thủng 1-5%. Mục đích của phương pháp nong là xé rách các thớ cơ của lớp cơ vòng của cơ thắt thực quản dưới. Bóng nong thường sử dụng là Rigiflex Boston với 3 loại đường kính 30, 35 và 40mm. Bóng nong 30mm được sử dụng cho những bệnh nhân nong lần đầu tiên. Với những bệnh nhân tái phát thì có thể nong với bóng lớn hơn. Bóng nong được đặt vào thục quản dưới dựa vào guidewire đặt qua nội soi và định vị trí dưới màn hình C-arm. Sau tất cả bệnh nhân cần được nội soi đánh giá hiệu quả nong cũng như phát hiện sớm biến chứng thủng. Biến chứng này cũng có thể phát hiện bằng chụp x-quang bụng không chuẩn bị hoặc có cản quang.
Hiệu quả nong từ 50-93% các trường hợp tùy theo báo cáo. Hiệu quả nong tốt hơn ở những bệnh nhân nong với bóng nong có đường kính lớn hơn, tuy nhiên tỷ lệ chứng cũng cao hơn.
6.2 Nội soi cắt cơ thắt thực quản dưới
Mục đích điều trị là cắt lớp cơ vòng ở vùng cơ thắt thực quản dưới để làm giảm áp lực vùng tâm vị. Các bước tiến hành: nội soi thực quản bắt đầu từ vị trí thực quản dưới, bóc tách lớp dưới niêm mạc, đưa ống soi đến vùng tâm vị, cắt lớp cơ vòng (theo sơ đồ sau).
6.3 Phẫu thuật cắt cơ Heller
Mục đích của phẫu thuật là làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới nhưng không có hiện tượng trào ngược.
Phẫu thuật nội soi cắt cơ Heller được thực hiện qua nội soi ổ bụng hoặc nội soi lồng ngực. Lớp cơ vòng sẽ được cắt sát đến lớp niêm mạc, chiều dài đoạn cắt tính từ cơ thắt thực quản dưới đi xuống dạ dày khoảng 1cm và phía trên cơ thắt vài centimet. Sau cắt cơ vòng sẽ tiến hành tạo hình tâm vị để tránh hiện tượng trào ngược (Dor fundoplication). Triệu chứng lâm sàng được cải thiện sau phẫu thuật đạt 80-90% các bệnh nhân.
6.4 Tiêm Botulinum
Tiêm Botulinum được thực hiện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao nếu sử dụng phương pháp nong và phẫu thuật, ví dụ như bệnh nhân lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh kèm. Botulinum ức chế giải phóng acetylcholin của các điểm tận cùng thần kinh, vì vậy ngăn chặn việc co cơ. Tỷ lệ đáp ứng sau tiêm đạt 85%. Tuy nhiên thời gian đáp ứng điều trị ngắn, trong vòng 6 tháng. Tỷ lệ tái phát sau 6 tháng trên 50%.
6.5 Điều trị bằng thuốc
Thuốc chẹn calci hoặc các thuốc Nitrate có thời gian tác động kéo dài được sử dụng để làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới. Hiệu quả lâm sàng kém, không cải thiện triệu chứng một cách đáng kể. Vì vậy, việc áp dụng điều trị bằng thuốc chỉ đặt ra khi bệnh nhân không có chỉ định điều trị hoặc điều trị thất bại bằng các phương pháp trên.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/