Ở người, tinh trùng là giao tử đực và mang bộ nhiễm sắc thể đơn bội với 23 nhiễm sắc thể. Khi thụ tinh, 23 nhiễm sắc thể của tinh trùng kết hợp với 23 nhiễm sắc thể của trứng để tạo thành hợp tử với 46 nhiễm sắc thể và phát triển thành một cá thể hoàn chỉnh. Tinh trùng có kích thước rất nhỏ nhưng được được biệt hóa cao độ để thực hiện chức năng sinh sản của nó, có khả năng di chuyển trong đường sinh dục nữ, nhận biết và thụ tinh với trứng.
1. Quá trình hình thành tinh trùng
– Tinh trùng được sản xuất ở tinh hoàn, trong các ống nhỏ cuộn chặt gọi là ống sinh tinh. Tổng chiều dài của các ống này lên tới 250m. Nằm giữa các ống sinh tinh là tế bào Leydig có chức năng sản xuất hormone sinh dục nam testosterone.
– Quá trình sinh tinh bắt đầu từ các tế bào gốc, gọi là tinh nguyên bào. Khi nam giới bước vào tuổi dậy thì, các tinh nguyên bào sẽ bắt đầu phân chia nhiều lần và biệt hóa để tạo ra các tinh bào.
Hình 1: Quá trình sinh tinh trùng
– Tinh trùng được sinh ra từ các tinh bào trong ống sinh tinh, sau đó di chuyển vào mào tinh để trải qua giai đoạn trưởng thành trước khi xuất tinh.
– Thời gian hình thành tinh trùng: Toàn bộ quá trình phát triển từ tinh nguyên bào thành tinh trùng là khoảng 70 ngày. Sau đó, tinh trùng phải trải qua thêm 12-21 ngày ở mào tinh hoàn để trưởng thành về mặt chức năng. Như vậy, tổng thời gian cho một quá trình sinh tinh hoàn thiện là từ 10-12 tuần.
– Khi người đàn ông bị kích thích tình dục, quá trình xuất tinh sẽ bắt đầu. Từ mào tinh hoàn, tinh trùng phóng theo ống dẫn tinh, sau đó được trộn lẫn với dịch tiết của tuyến tiền liệt (chiếm 30%), túi tinh (chiếm 60%), các tuyến hành niệu đạo (chiếm 10%), và cuối cùng được tống xuất ra ngoài theo đường niệu đạo. Nếu không xuất tinh thì quá trình sản sinh tinh trùng và thoái hóa tinh trùng vẫn xảy ra, tinh trùng sẽ chết và được hấp thụ bởi biểu mô của mào tinh.
– Quá trình sinh tinh bắt đầu từ khi dậy thì và tiếp diễn liên tục cho tới khi chết. Đây là một quá trình rất hiệu quả với vài chục đến vài trăm triệu tinh trùng được sinh ra ở mỗi tinh hoàn. Một lần xuất tinh có thể có hàng triệu con tinh trùng được phóng vào âm đạo của người phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ có 1 tinh trùng là thụ tinh thực sự với trứng. Do vậy, nguy cơ vô sinh nam sẽ tăng cao nếu quá trình sinh tinh bị suy giảm kéo theo sự suy giảm về chất và lượng của tinh trùng.
2. Cấu tạo của tinh trùng
Tinh trùng trưởng thành dài khoảng 50 – 60 μm, có 3 phần: đầu, cổ và đuôi.
– Phần đầu tinh trùng
Phần đầu của tinh trùng có hình dạng như giọt nước dẹt, bên trong chứa nhân mang bộ nhiễm sắc thể đơn bội (1n), 23 nhiễm sắc thể trong đó có 1 nhiễm sắc thể giới tính (X hoặc Y). Mỗi tinh trùng có một bộ gen riêng biệt.
Phía trên nhân có túi cực hình đầu mũ, chứa các enzyme có tác dụng tiêu hủy các chướng ngại vật xung quanh trứng và lớp màng ngoài của trứng, giúp tinh trùng xâm nhập vào bên trong để thụ tinh với trứng.
Hình 2: Cấu tạo tinh trùng
– Phần cổ tinh trùng
Đây là phần nằm giữa đầu và đuôi. Cổ tinh trùng rất mềm mại, làm cho đầu tinh trùng dễ dàng quay từ bên này sang bên kia như động tác bơi.
– Phần đuôi tinh trùng
Đuôi tinh trùng được chia thành 3 đoạn là đoạn giữa, đoạn chính và đoạn cuối. Đoạn giữa là phần to nhất của đuôi chứa các ty thể, chúng sử dụng glucose và fructose để tạo thành năng lượng cho tinh trùng di chuyển. Ở đoạn cuối, những sợi đặc và bao đuôi mỏng dần, chỉ còn là một lớp tế bào mỏng bao bọc phần cuối của đuôi. Đuôi mỏng và thon dần giúp tinh trùng có thể quẫy đuôi và bơi một cách thuận lợi.
3. Các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình sinh tinh
Trong hầu hết các trường hợp rất khó để xác định chính xác nguyên nhân gây giảm số lượng, chất lượng tinh trùng, dẫn tới khó khăn trong điều trị bệnh vô sinh. Tuy nhiên việc nhận thức được quá trình sinh tinh cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới nó cũng đã giúp ích rất nhiều để tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
Hình 3: Một số yếu thói quen ảnh hưởng đến sinh tinh
3.1. Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn thiếu các chất như vitamin A, vitamin E, một số acid amin, acid béo và kẽm có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành tinh trùng, dẫn đến giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
3.2. Môi trường sống
Nam giới nghiện rượu, nghiện ma túy, hút thuốc lá, bị nhiễm độc thủy ngân hoặc chì có thể bị giảm sinh tinh, dẫn tới vô sinh.
Ngoài ra các chất hóa học độc hại có trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, đặc biệt là dioxin không những làm giảm sinh tinh gây vô sinh mà còn có thể gây đột biến nhiễm sắc thể, dẫn tới dị dạng.
3.3. Nhiệt độ
Nhiệt độ ở bìu thường thấp hơn cơ thể khoảng 2 độ C, là điều kiện lý tưởng để quá trình sinh tinh diễn ra bình thường. Ở những nam giới bị tinh hoàn ẩn, nếu không được mổ sớm trong khoảng thời gian từ 1-3 tuổi để đưa tinh hoàn xuống bìu thì cấu trúc mô học của tinh hoàn sẽ bị thay đổi, thậm chí ống sinh tinh còn bị teo đét. Lúc này quá trình sinh tinh sẽ bị ngừng lại hoặc mất hoàn toàn.
Một nghiên cứu khác ở Việt Nam cũng chỉ ra rằng nhóm bệnh nhân là lái xe đường dài có tỷ lệ tinh trùng bất động cao nhất so với các nhóm nguy cơ khác. Ngoài ra, các ngành nghề phải làm việc trong môi trường nóng như đầu bếp, thợ hàn, thợ hồ,… cũng có chất lượng tinh trùng giảm.
3.4. Nhiễm khuẩn
Nam giới khi bị viêm cơ quan sinh duc, ví dụ viêm tinh hoàn do biến chứng quai bị hay vi khuẩn; viêm mào tinh hoàn, viêm đường sinh dục do khuẩn lậu, giang mai,… thì quá trình tăng nhiệt độ hoặc việc hình thành kháng thể chống tinh trùng có thể khiến biểu mô sinh tinh bị hủy hoại, dẫn tới tinh hoàn bị teo đét, hậu quả cuối cùng là vô sinh.
3.5. Phóng xạ và từ trường
Các tế bào sinh tinh rất nhạy cảm với phóng xạ. Khi tiếp xúc với nguồn phóng xạ cường độ cao, các tinh nguyên bào bị hủy hoại dẫn tới vô sinh không hồi phục được. Ngoài ra phóng xạ còn làm tổn thương nhiễm sắc thể, gây dị dạng ở những thế hệ sau.
Từ trường được tạo ra do các thiết bị điện gia dụng, điện công nghiệp,… Từ trường tần số thấp và cường độ cao có thể ảnh hưởng không tốt tới quá trình sinh tinh.
3.6. Bệnh và một số loại thuốc
Các bệnh toàn thân đều có ảnh hưởng tới việc sản xuất tinh trùng. Cụ thể:
– Bệnh mạn tính như suy thận, suy gan, bệnh nội tiết,… làm giảm quá trình sinh tinh;
– Bệnh ung thư: Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị dẫn tới quá trình sinh tinh giảm hoặc ngừng hoàn toàn.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc được khuyến cáo là gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành tinh trùng, ví dụ thuốc nội tiết tố, cimetidine, sulphasalazine, spironolactone, spironolactone, colchichine, các hóa chất trong điều trị ung thư,…
Sinh tinh là một quá trình phức tạp gồm nhiều giai đoạn, được điều hòa bằng nhiều cơ chế tại chỗ và toàn thân. Quá trình này rất nhạy cảm với các tác động của yếu tố sinh học, vật lý, hóa học bên trong và bên ngoài cơ thể. Chính vì vậy, những hiểu biết về quá trình sinh tinh ở nam giới và các yếu tố ảnh hưởng có vai trò rất quan trọng trong điều trị và dự phòng vô sinh nam.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu được những vấn đề liên quan đến sinh sản để có được những kiến thức chuẩn bị trước hôn nhân hoặc áp dụng trong điều trị vô sinh nam.
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
🏥 CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
🌎 ĐC: 469 Nguyễn Trãi – Võ Cường – TP. Bắc Ninh – Bắc Ninh
☎️ Hotline : 02223.858.999 – 0818.265.239 (có zalo)
📩 Email: hoanmybacninh@gmail.com
🌐 Web: http://benhvienquoctehoanmy.vn/
❇️ FB: https://www.facebook.com/CTCPBENHVIENQUOCTEHOANMY
#HoanMyBacNinh #visuckhoecongdong