Chuyên Khoa Nhi

ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TIÊU CHẢY CẤP DO ROTAVIRUS.

08-04-2019 07:26

Giống như các loại virus thông thường khác, tiêu chảy cấp do Rota virus có khả năng lây lan mạnh, nhanh qua đường truyền phân-miệng. Các nhà khoa học thấy rằng, 1ml phân của trẻ tiêu chảy dó Rota có thể chứa hơn 10.000 tỷ virus này. Do đó khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.
Bệnh tiêu chảy do virus Rota hay gặp mùa Đông- Xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau), ở trẻ 6-24 tháng tuổi có nguy cơ cao nhất. 95% trẻ em <5 tuổi bị nhiễm Rota virus ít nhất 1 lần.
Tại Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota là một trong 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Do đó, cha mẹ nên lưu ý kỹ những triệu chứng khi trẻ nhiễm virus Rota để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các biểu hiện của tiêu chảy do Rota virus:

“Ảnh minh họa”

  • Nôn: xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Mỗi ngày có thể nôn vài chục lần.
  • Sốt:thường sốt nhẹ và vừa, ít khi sốt cao, thường xuất hiện và kéo dài 2-3 ngày đầu. Tuy nhiên một số trường hợp sốt cao trên 40 độ C có thể gây có giật.
  • Tiêu chảy: thường xuất hiện sau triệu chứng sốt và nôn giảm, trẻ đi phân lỏng toàn nước trên 3 lần/ngày, có thể trên 10 lần, có trường hợp vài chục lần, không có nhầy máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-8 ngày.
  • Đau bụng: phần lớn trẻ quấy hơn bình thường.

Hậu quả của tiêu chảy do Rota virus: Mất nước do trẻ nôn và tiêu chảy, lượng nước mất qua dịch nôn và phân làm cho trẻ kiệt sức, suy dinh dưỡng, thậm chí cóp thể tử vong.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị tiêu chảy do Rota virus?
Với tiêu chảy cấp do Rota virus điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Việc điều trị chủ yếu là: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước.

  • Bù nước và điện giải: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước mất do nôn và tiêu chảy. Có thể dùng nước cháo muối, nước gạo rang, nước chuối hoặc cho trẻ uống Oresol: pha đúng theo chỉ dẫn của gói thuốc, uống từng thìa nhỏ, ngụm nhỏ để tránh nôn trớ. Trường hợp trẻ không ăn uống được, mệt lả cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bù dịch bằng truyền dịch.
  • Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, đầy đủ chất dinh phù hợp theo lứa tuổi, chia nhỏ nhiều bữa nhỏ, ăn từng thìa nhỏ, không cố ép trẻ ăn, nếu trẻ nôn trớ, cho trẻ nghỉ rồi ăn chậm hơn. Hạn chế thức ăn, uống có chứa nhiều đường: sữa tươi, bánh kẹo công nghiệp… vì có thể là tăng tiêu chảy.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột gây liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài, virus sẽ ứ đọng lâu hơn gây chướng bụng, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí tử vong.
  • Đưa trẻ di khám nếu sau 03 ngày trẻ không đỡ hoặc có 1 trong các dấu hiệu :
    * Đi ngoài nhiều, phân tóe nước nhưng ăn hoặc uống kém
    * Sốt cao liên tục không hạ.
    * Mắt trũng sâu, khô miệng, cảm giác khát nước.
    * Nôn liên tục
    * Có máu trong phân.

Phòng bệnh tiêu chảy do Rota virus như thế nào?

  • Tiêu chảy cấp do Rota virus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho trẻ khác.
  • Giữ vệ sinh tay: tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, người trông giữ trẻ cần rửa tay khi tiếp xúc với trẻ, cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
  • Không để trẻ bò lê la trên sàn, ngậm tay hoặc ngậm đò chơi.
  • Lau rửa sàn nhà, vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn, lau rửa tolet, bồn cầu khi trẻ bị tiêu chảy đi vệ sinh.
  • Tã lót, chất nôn của trẻ cần được cho vào bao nilon, buộc chặt kín rồi cho vào thùng rác.

VẮC-XIN NGỪA ROTA: GIẢI PHÁP BẢO VỆ TRẺ TỐI ƯU

  • Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên cho trẻ nhỏ uống Vắc-xin phòng tiêu chảy do virus Rota. Phác đồ uống ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gồm 2 liều hoặc 3 liều tùy theo loại vắc-xin, mỗi lần cách nhau ít nhất 4 tuần.
  • Trẻ có thể bắt đầu uống ngừa vắc-xin ngừa virus Rota ngay từ 6 tuần tuổi. Cha mẹ cần lưu ý hoàn tất lịch uống càng sớm càng tốt trước 6 tháng tuổi để có đầy đủ miễn dịch bước vào giai đoạn có nguy cơ cao nhiễm virus Rota từ 6 tháng đến 2 tuổi.
  • Lợi ích của việc uống vắc-xin Rotarvirus theo các nghiên cứu :
    * Giảm tỉ lệ mắc bệnh 74-87%.
    * Giảm khoảng 85- 100% số trường hợp tiêu chảy do Rota virus nặng.

“Ảnh minh họa”

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:

CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ

Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh

Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999

Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/

Đặt khám để nhận chính sách tốt nhất
Lý do bạn nên chọn Bệnh viện Hoàn Mỹ
Bệnh viện chuẩn quốc tế
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi trực tiếp khám
Cơ sở vật chất tiện nghi, thiết bị hiện đại
Chi phí khám hợp lý
Áp dụng bảo hiểm y tế và các bảo hiểm khác
Chăm sóc khách hàng chu đáo

Tin Liên Quan