1) ĐỊNH NGHĨA:
Khi áp lực bên trong của bao khớp tăng nó có thể tạo nên các thay đổi như thoát vị ra ngoài ổ khớp. Đó là u nang bao hoạt dịch, nó thường nằm ở chính giữa khớp và to ra tại vị trí bao khớp lỏng lẻo.
2) NHẮC LẠI GIẢI PHẨU
Bao khớp có 2 lớp gồm màng xơ và màng hoạt dịch. Màng hoạt dịch phủ vào mặt trong của bao khớp cùng với các mặt của khớp giới hạn nên ổ khớp. Nó tiết ra một chất dịch dính chặt như lòng trắng trứng gọi là hoạt dịch. Chất này có tác dụng bôi trơn các mặt khớp và cung cấp chất dinh dưỡng cho các cấu trúc bên trong ổ khớp giúp duy trì tính bền vững của khớp.
3) THÀNH PHẦN DỊCH KHỚP
Bình thường dịch khớp trong có chứa 10 đến 200 tế bào trong 1mm3 trong đó thành phần đa nhân khoảng 1%, lượng protein từ 10 đến 20g/lít. Trong tất cả mọi loại viêm khớp, lượng tế bào và lượng protein tăng nhiều nhưng sự thay đổi này không có tính chất đặc hiệu cho mỗi loại bệnh khớp.
4) NGUYÊN NHÂN:
U nang bao hoạt dịch có thể do cử động khớp nhiều (như chơi thể thao không khởi động) làm bao khớp lỏng lẻo hay do bao hoạt dịch bị kích thích gây tăng tiết dịch, dịch khớp thoát ra gây hiện tượng thoát vị mà biểu hiện lâm sàng là khối u.
Như với khớp cổ tay thì cho đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác được nguyên nhân hình thành nang. Giả thuyết dãn bao khớp do những chấn động lập đi lập lại ở những bà nội trợ hay những chấn thương bong gân cổ tay cũ đã được đề cập ở một số tác giả có lẽ dựa vào tỉ lệ ở nữ cao hơn nam nhiều lần và tiền sử chấn thương cổ tay được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân. Giả thuyết này được củng cố bởi phân tích dịch rút ra từ nang có cấu trúc giống hệt dịch trong khớp.
5) TRIỆU CHỨNG:
U nang bao hoạt dịch là một khối tròn, mềm, sờ nhẵn, ít di động, có lúc nhỏ đi, lúc to ra, có thể đau hay không.
U nang bao hoạt dịch không gây viêm, không đau thì chưa cần điều trị. Đây là bệnh lành tính. Tuy nhiên u này có thể viêm khi màng hoạt dịch bị viêm cấp tính, do chấn thương, do nhiễm khuẩn, sử dụng khớp quá nhiều…
6) CHẨN ĐOÁN
Nang hoạt dịch có 3 đặc tính khác với các khối u là không đau, kích thuớc thay đổi theo tư thế vận động khớp và không thay đổi sau một thời gian dài . Chụp phim Xquang để loại trừ u xương. Siêu âm để phân biệt với các khôi u phần mềm khác như mỡ, bướu bã. Với những nang nhỏ không sờ thấy hay nhìn thấy được, người ta phải chỉ định dùng MRI để xác định.
7) ĐIỀU TRỊ
Theo dõi.Với những nang không gây phiền phức gì cho người bệnh thì người ta chỉ theo dõi mà không xử trí gì cả.
Bất động. Cử động khớp nhiều có thể làm tăng kích thước của nang nên người ta có thể dùng nẹp cổ tay để hạn chế sự vận động. Điều này sẽ giúp giảm đau nhất là những ca gây chèn ép thần kinh lân cận.
Thoát dịch. Nếu nang bị đau hay hạn chế vận động do kích thước lớn thì bác sĩ có thể chọc hút dịch trong nang ra. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn nó có thể tái phát lại. Vì thế giải pháp phẫu thuật sẽ được xem xét nếu bệnh nhân yêu cầu.
Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ nang và khâu lại phần cuống thông với khớp. Cố định khớp cổ tay 2 – 3 tuần mới được phép cử động trở lại. Tuy nhiên U này thường lành tính mổ hoặc không mổ không ảnh hưởng đến sức khỏe nên chỉ mổ khi làm mất thẩm mỹ hoặc chèn ép thần kinh. Do tỉ lệ tái phát cao nên khối u có thể to lại ngay hoặc từ từ.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/