Hiện nay, các tật khúc xạ về mắt, nhất là cận thị, ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, tỉ lệ cận thị chiếm từ 15 – 40% dân số tùy theo độ tuổi và khu vực sinh sống. Đặc biệt, những người cận thị nặng (độ cận >6D) không chỉ gặp bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, còn có nguy cơ mắc hàng loạt các biến chứng ở võng mạc bao gồm thoái hóa võng mạc chu biên, bong võng mạc và thoái hoá ngay trung tâm tân mạch hắc mạc (MCNV).
Võng mạc là lớp màng thần kinh cực mỏng ở đáy mắt, giữ vai trò cảm nhận ánh sáng và chuyển chúng thành tín hiệu thần kinh truyền lên não phân tích.
THOÁI HOÁ VÕNG MẠC CHU BIÊN
Võng mạc chu biên là vùng võng mạc phía xa nhất, không ảnh hưởng nhiều đến thị lực trung tâm (thị lực nhìn rõ) mà liên quan đến thị trường (khoảng không gian mắt bao quát được).
Ở người cận thị, đặc biệt là cận thị nặng, trục nhãn cầu phát triền dài hơn bình thường làm cho võng mạc bị kéo căng, trở nên mỏng đi và thoái hoá thành những mảng teo võng mạc dạng oval hay dải dài, xuất hiện đơn lẻ hay kích thước khác nhau ở vùng chu biên của đáy mắt.
Ngoài ra, thoái hoá võng mạc chu biên tiến triển nặng có thể gây rách võng mạc, từ từ dẫn đến bong võng mạc gây mù hoàn toàn.
TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT MẮT BỊ THOÁI HÓA VÕNG MẠC CHU BIÊN
Thoái hoá võng mạc chu biên do cận thị nặng là bệnh lý khó phát hiện vì không gây ra cảm giác đau, chỉ xuất hiện một vài triệu chứng:
Đột ngột nhìn thấy hiện tượng ruồi bay.
Thấy mắt có chớp sáng bên trong.
Thị lực giảm, nhìn vật bị mờ hoặc nhoè đi.
Có quầng đen lan dần từ phía xa đến vùng trung tâm (khuyết thị trường).
NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN THOÁI HÓA VÕNG MẠC CHU BIÊN
Bệnh lý này đều có khả năng gặp phải ở tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi. Tuy nhiên, vẫn thường gặp hơn ở người có tật khúc xạ mà phổ biến nhát là cận thị. Độ cận càng cao, nguy cơ thoái hoá võng mạc chu biên càng tăng.
ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA VÕNG MẠC CHU BIÊN
Giai đoạn phát hiện bệnh: Người bị thoái hoá võng mạc chu biên không thể phát hiện bệnh qua kiểm tra mắt tổng quát thông thường hay khám mắt kiểm tra sức khoẻ định kỳ mà phải qua quá trình nhỏ giãn kết hợp khám soi đáy mắt chuyên sâu.
Điều trị:
Phương pháp Laser quang đông được ứng dụng trong quá trình điều trị các bệnh lý đáy mắt như bong võng mạc, thoái hoá võng mạc chu biên, các vết rách võng mạc … Phương pháp này dựa trên nguyên tắc dùng nhiệt (được chuyển dạng từ năng lượng bức xạ) làm đông hủy mô có chủ đích, tia laser sẽ tạo ra các điểm sẹo trên võng mạc quanh tổn thương, nhằm làm cho lớp màng thần kinh này được áp dính xuống bên dưới, tránh bị tụ dịch đẩy bong lên. Đây là phương pháp có độ chính xác cao, không cần vào phòng mổ, không gây chảy máu, chỉ cần nhỏ tê trước khi thực hiện. Sau khi chiếu laser quang đông, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày và sinh hoạt bình thường, không cần nằm viện theo dõi.
Việc chiếu tia laser có thể sẽ được chia thành nhiều đợt khác nhau nếu khu vực cần chiếu tương đối rộng. Đối với thai phụ, phương pháp này vẫn có thể áp dụng, nhưng sẽ tránh chiếu laser sau thời điểm 35 tuần của thai kỳ.
Mục đích chính của việc chiếu laser trong thoái hóa võng mạc chu biên do cận thị không nhằm cải thiện thị lực mà dùng để giảm thiểu từ trước nguy cơ mất thị lực, mất vùng nhìn không hồi phục do bong võng mạc.
THOÁI HÓA NGAY TRUNG TÂM TÂN MẠCH HẮC MẠC (MCNV)
Đây là tình trạng xuất hiện thêm những mạch máu mới kém chức năng và dễ vỡ nằm trong lớp hắc mạc – là một trong ba lớp cầu tạo của võ nhãn cầu. Tân mạch hắc mạc vùng hoàng điểm thường gặp ở những mắt cận thị nặng, sau chấn thương đụng giập hoặc bệnh thoái hóa hoàng điểm.
Trong các tổn thương ở võng mạc liên quan tới cận thị cao, tân mạch hắc mạc (MCNV) là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Tổn thương này tiến triển ở khoảng 5 – 10 % mắt cận thị cao. 30% người cận thị cao có MCNV trên một mắt sẽ tiến triển ở mắt còn lại trong vòng 8 năm sau đó.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH LÝ THOÁI HÓA TÂN MẠCH HẮC MẠC
Tân mạch hắc mạc khi xuất hiện sẽ làm mắt nhìn mờ, không phân biệt rõ màu sắc, hình ảnh bị biến dạng nhất là đường thẳng nhìn trở thành cong vẹo. Nếu vị trí tân hạch hắc mạc nằm gần hoặc ngay trung tâm hoàng điểm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của bệnh nhân.
Nguy hiểm nhất của bệnh lý tân mạch hắc mạc là tình trạng xuất huyết kèm phù ở vùng võng mạc trung tâm, làm bệnh nhân bị mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
MẮT BỊ THOÁI HÓA TÂN MẠCH HẮC MẠC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh lý thoái hoá tân mạch hắc mạc là tiêm nội nhãn Anti-VEGF với các loại thuốc như Avastin, Lucentis …
Quá trình tiêm nội nhãn không quá phức tạp, trước khi tiêm bệnh nhân được nhỏ thuốc kháng sinh loại bỏ các tác nhân gây nhiễm khuẩn, tiếp đó là nhỏ giãn và tiến hành tiêm thuốc vào bên trong mắt của bệnh nhân. Sau khi tiêm, bác sĩ chuyên khoa kiểm tra lại thị lực cũng như nhãn áp, đồng thời bệnh nhân được theo dõi từ 30 – 60 phút, sau đó ra về và tái khám trong vòng 1 tháng.
Những người đang mắc tật cận thị, nhất là cận thị cao khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần) để theo dõi và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/