Bệnh tay chân miệng là bệnh lý gây ra bởi virus ,thường gây tổn thương ở tay chân và niêm mạc miệng. Bệnh có thể tự khỏi nhưng đôi khi gây ra những biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong nếu không được theo dõi và điều trị.
– Bệnh gặp ở trẻ < 10 tuổi, thường dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
– Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – tháng 12 trong năm.
– Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt. trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vài tuần sau.
– Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước.
TRIỆU CHỨNG – DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH
– xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3 – 6 ngày.
– Biểu hiện sớm của bệnh : mệt mỏi, sốt nhẹ (38–38,5 độ C ), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày
– Sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng: thường ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 – 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ nhanh tạo ra các vết loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống.
– Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát
Chú ý: Có một số trường hợp không điển hình chỉ có loét miệng, ban ở da rất ít hoặc không rõ ràng dạng bóng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.
“Biểu hiện ngoài da của bệnh”
ĐIỀU TRỊ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
– Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm.
– Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng, điều trị chủ yếu là chăm sóc, vệ sinh răng miệng. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu;. Các thương tổn ngoài da, bôi dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
– Với những trường hợp mắc bệnh nhẹ thì có thể điều trị tại nhà theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
– Chỉ đinh nhập viện Khi có một trong các triệu chứng sau: Sốt cao trên 39 độ C, giật mình liên tục, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà cần đưa bé vào bệnh viện ngay.
CHẨN ĐOÁN BỆNH
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng
- Các virus có thể cư trú ở vùng họng, mụn nước hoặc hậu môn hoặc nuôi cấy phân. Sự đào thải virus trong phân có thể xảy ra một cách gián đoạn, do đó khi lấy mẫu xét nghiệm cầm tiến hành lấy nhiều mẫu.
- Kĩ thuật PCR có thể phân nhóm các enterovirus là một lựa chọn xét nghiệm cho những trung tâm nghiên cứu mặc dù hiếm khi được sử dụng trong thực hành lâm sàng thông thường.
CÁCH PHÒNG BỆNH
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ có thể ngăn ngừa việc lây nhiễm cho những người trong gia đình:
- Việc rửa tay sau khi đi vệ sinh có bằng chứng giá trị cao trong hiệu quả bảo vệ lây nhiễm.
- Thực hiện rửa tay cần chú ý đến rửa sạch vùng kẽ ngón và dưới móng tay và mỗi khi:
Sau khi:
- Thay tã cho trẻ
- Sử dụng hoặc làm vệ sinh bồn cầu
- Giúp trẻ đi vệ sinh
- Tiếp xúc với chất tiết của người bệnh (ho, hắt hơi…)
Và trước khi:
- Cầm nắm thức ăn
- Nấu ăn
- Ăn uống
- Cho trẻ nhỏ hoặc người già ăn uống.
- Che miệng và mũi mỗi khi ho hoặc hắt hơi.
- Xử lý đảm bảo vệ sinh các chất thải hoặc tã lót của trẻ.
- Tránh dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống, khăn mặt,… với người bệnh
- Virus có thể còn được thải qua phân một thời gian sau khi phục hồi, do đó cần đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ ngay cả sau khi phục hồi.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ CTCP Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ với chúng tôi theo địa chỉ:
CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
Địa chỉ: Số 469, Nguyễn Trãi, Võ Cường, TP Bắc Ninh
Liên hệ khám chữa bệnh: 02223.858.999
Website: https://benhvienquoctehoanmy.vn/