KHÁM SẮC GIÁC
Khám sắc giác thường ngày dùng cho các mục đích lâm sàng cần thiết để chăm sóc bệnh nhân thích hợp. Thứ nhất nó giúp cho việc chấn đoán mù màu. Thứ hai, nó cho phép phân biệt mù màu mắc phải và mù màu di truyền. Cuối cùng nó góp phần cho việc đánh giá, định lượng chức năng của võng mạc và thị thần kinh.
1. CÁC BẢNG GIẢ ĐẲNG SẮC
Các bảng đẳng sắc đòi hỏi bệnh nhân nhận biết một hình được tạo bởi những chấm màu có kích thước khác nhau trên một nền màu. Hình và nền được chọn sao cho hình bị nhầm lẫn bởi các bệnh nhân mù màu. Có nhiều loại bảng khác nhau, các bảng thường dùng nhất là Ishihara, Hardy Rand Rittler (HRR) và Dvorin.
• BẢNG ISHIHARA
Dụng cụ: Bảng giả đẳng sắc
Quy trình:
– Thị lực của BN phải trên 6/60 (1/10) để có thể khám.
– Ánh sáng tốt là điều kiện bắt buộc, đèn Macbeth Easel là tiêu chuẩn.
– Khám nghiệm được thực hiện từng mắt.
– Bảng được cầm ở cách bệnh nhân 75 cm.
– Bảng phải vuông góc với trục thị giác
– Thời gian nhìn phải ít nhất 3 giây, và không lâu quá 5 giây.
– Yêu cầu BN đọc số ở các bảng.
– Hoặc yêu cầu BN vẽ theo số (hoặc các hình) bằng tăm bông nếu không biết đọc số.
– Bảng thứ nhất là 1 hình để mình họa mà tất cả mọi người đều thấy được. Những người không thấy được số này có thể do hiểu sai hướng dẫn, giả vờ hoặc giảm thị lực nặng.
– Các bảng từ 2 đến 7 là bảng biến đổi trong đó người bình thường thấy đúng số trong khi người mù màu thấy số khác.
– Các bảng từ 8 đến 13 là bảng biến hình trong đó người bình thường nhìn thấy số nhưng người mù màu thì không nhìn thấy số.
– Các bảng từ 14-15 là bảng ẩn hình trong đó người bình thường không nhìn thấy số nhưng người mù màu thì nhìn thấy.
– Bảng 16 đến 17 là bảng chẩn đoán, giúp xác định độ nặng của mù màu.
– Các bảng 18-24 là bảng để vẽ theo, dùng cho người không biết chữ hoặc trẻ em.
• HARDY RAND RITTLER (HRR) TEST
Bảng HRR được Hardy, Rand và Rittler đưa ra và được xuât sbanr bới American Optical vào năm 1955. Kể từ đó, nó đã được chỉnh sửa nhiều lần với phiên bản hiện tại là bảng HRR Richmond.
Bảng HRR được thiết kế để:
+ Phát hiện những người mù màu hoặc sắc giác bình thường.
+ Đánh giá định tính mù màu bằng cách phát hiện loại mù màu đỏ, mù màu lục hoặc mù màu lam.
+ Đánh giá định lượng mù màu bằng cách phân loại độ mù màu là nhẹ, trung bình hoặc nặng.
Dụng cụ: Bảng giả đẳng sắc HRR, tờ tính điểm được ép plastic, cọ vẽ (để BN khỏi chạm vào bảng màu).
Thực hiện:
+ Chuẩn bị và các yêu cầu của test tương tự thử với bảng Ishihara.
+ Test HRR gồm có 24 bảng, mỗi bảng chưa 1 hoặc 2 hình, có thể là chữ thập, vòng tròn hoặc hình tam giác. Các hình này gồm những chấm màu hiện trên 1 nền các chấm màu xám.
+ Bảng thứ nhất là 1 hình dùng để giải thích mà mọi người đều thấy được. Những bệnh nhân không thấy được có thể do hiểu sai hướng dẫn, giả vờ hoặc bị giảm thị lực nặng.
+ có 4 bảng để giải thích với các hình mà tất cả mọi người đều nhìn được, kể cả người mù màu. Một trong số các bảng này thiếu 1 hình để giúp BN hiểu rằng có 1 bảng mà họ có thể không thấy một hình.
+ Có 6 bảng phát hiện, 4 cho mù màu đỏ lục và 2 cho mù màu lam. Màu của các hình nằm trên các đường lẫn màu đỏ, lục và lam. BN mù màu nặng sẽ không thấy các hình có màu nằm trên các đường lẫn màu cụ thể, nhưng sẽ thấy các hình không màu nằm trên các đường lẫn màu khác.
+ Có 14 bảng chẩn đoán giúp phân loại độ nặng của mù màu: 10 bảng cho mù màu đỏ, lục và 4 bảng cho mù màu lam.
2. CÁC TEST XẾP MÀU
– FARNSWORTH D-15
Test Farnsworth D-15 gồm 16 nắp màu. 16 màu khác nhau được chọn từ vòng màu hệ thống Munsell. Các mẫu màu được chọn ở cách đều nhau quanh vòng màu hệ thống Munsell. Do đó người sắc giác bình thường sẽ phân biệt được rõ ràng các nắp màu liên tiếp. Khi làm test này, những người bị mù màu sẽ xếp sai nhiều, những người mù màu nhẹ thường xếp sai ít hơn. Do đó, Test Farnsworth D-15 được dùng để phân biệt mù màu nặng (trong đó BN không xếp được) với mù màu nhẹ hoặc mù màu trung bình (trong đó BN xếp được).
Test D-15 kém bão hòa của Lantony dựa theo test Farnsworth sửu dụng các màu nhạt hơn nhiều (kém bão hòa), do đó nhạy cảm hơn với mù màu khó thấy hoặc mù màu mắc phải.
Test Farnsworth D-15 thường được dùng nhiều hơn trên lâm sàng và là 1 phiên bản rút gọn của Test Farnsworth – Munsell 100 Hue. Nó thông dụng hơn bởi vì làm nhanh hơn, tuy nhiên nếu mù màu được phát hiện bằng cách này và cần thử chính xác hơn thì Farnsworth – Munsell 100 Hue là test được lựa chọn.
Quy trình:
+ Khám nghiệm được thực hiện ở từng mắt.
+ BN ngồi với các nắp màu được đặt cách 50cm và góc nhìn 60 độ. Ánh sáng được chiếu từ phía trên bằng nguồn sáng thích hợp (nên dùng đèn Mac Beth Easel).
+ BN phải chọn nắp màu có màu gần nhất với nắp màu cố định (nắp mẫu) và đặt nó cạnh nắp màu cố định ở trong hộp. Sau đó BN chọn trong các nắp màu còn lại, nắp có màu gần nhất với màu vừa đặt trong hộp và cứ tiếp tục như thế cho đến khi toàn bộ các nắp màu được đặt hết vào trong hộp. Không giới hạn thời gian.
+ Người khám khi lại trật tự sắp xếp các nắp màu lên 1 tờ ghi kết quả (hình 11.6). Test được coi là không đạt nếu có 2 điểm giao cắt trên sơ đồ. Để có điểm giao cắt thì các nắp màu phải được xếp cách nhau 4 số. Sau khi vẽ xong sơ đồ, người khám phải xác định đường chỉ nào nằm song song gần nhất với các điểm giao cắt sai của bệnh nhân.
– FARNSWORTH-MUNSER 100 HUE
Test Farnsworth – Munsell 100 Hue gồm có 85 nắp màu, ngoài 15 màu của D-15, được đặt trong 4 hộp riêng biệt. Nắp màu đầu tiên và nắp màu cuối cùng của mỗi hộp được cố định. 85 màu khác nhau được chọn từ vòng màu hệ thống Munsell. Các mẫu màu được chọn ở cách đều nhau quanh vòng màu hệ thống Munsell. Khoảng cách giữa các màu tiếp giáp nhau là rất nhỏ, do đó các màu chỉ thay đổi khác nhau nhẹ. Test này cho phép phân biệt màu tinh vi. Test Farnsworth – Munsell 100 Hue là một test nhạy hơn đối với mù màu bẩm sinh nhẹ và trung bình, giúp phát hiện sớm và phân loại mù màu mắc phải do bệnh mắt. Do khám nghiệm này mất nhiều thời gian, nó được dùng như một test chuyên sâu trong những hoàn cảnh lâm sàng cụ thể.
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
🏥 CTCP BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HOÀN MỸ
🌎 ĐC: 469 Nguyễn Trãi – Võ Cường – TP. Bắc Ninh – Bắc Ninh
☎️ Hotline : 02223.858.999 – 0818.265.239 (có zalo)
📩 Email: hoanmybacninh@gmail.com
🌐 Web: http://benhvienquoctehoanmy.vn/
❇️ FB: https://www.facebook.com/CTCPBENHVIENQUOCTEHOANMY
#HoanMyBacNinh #visuckhoecongdong